Thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn
Những tranh chấp phát sinh trong các vụ án Hôn nhân gia đình có tới hơn 90% là các tranh chấp liên quan đến việc chia tài sản. Đó là lý do vì sao Luật Hôn nhân gia đình có quy định về việc thỏa thuận tài sản chung, tài sản riêng trước khi kết hôn. Điều này giúp ích rất nhiều trong những trường hợp có ly hôn xảy ra. Trong cuộc sống hôn nhân chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề khiến cho hai bên dẫn đến mâu thuẫn, có khi phải ly hôn. Tất nhiên, khi chuẩn bị kết hôn thì không ai nghĩ mình sẽ ly hôn cả nhưng trong cuộc sống không thể nói trước điều gì.
Theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Do vậy, khi xác lập nên thỏa thuận này, phải thực hiện đúng theo trình tự của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho hai bên khi có rủi ro xảy ra. Tất nhiên không ai mong muốn ly hôn cả, nhưng nếu xảy ra trường hợp đó, hai bên sẽ không phải tranh chấp về tài sản nữa.
Theo Điều 48, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
Vì vậy, nếu đã quyết định tiến tới hôn nhân thì mong rằng bạn sẽ thật sáng suốt và đủ trách nhiệm để giữ gìn hạnh phúc đến cuối cùng. Nhưng vì một lý do nào đó khiến bạn không thể tiếp tục được nữa, để đảm bảo vụ án ly hôn của bạn được êm đẹp, hãy chuẩn bị trước một thỏa thuận giữa hai bên về mặt tài sản. Điều này xác lập ngoài dự phòng rủi ro, đó cũng là một cách hay để hai người có thể sống trách nhiệm hơn với cuộc sống hôn nhân của mình.
Khi nào thì được lập Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng?
1. Chỉ được lập và công nhận khi 2 người chưa đăng ký kết hôn, lưu ý chưa đăng ký kết hôn nghĩa là 2 người chưa ra UBND xã, phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn chứ không phải là chưa tổ chức đám cưới đâu nhé.
2. Hai người cùng đoàn kết, đồng thuận, và quyết định lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, nghĩa là quyết định cùng nhau lập Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
3. Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực (mà tốt nhất là công chứng, không khuyến khích các bạn chọn chứng thực)
4. Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ khi 2 người đăng ký kết hôn
Như vậy có thể nói Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được dành cho những ai chưa hoặc sắp kết hôn, còn nếu bạn đã kết hôn rồi thì không áp dụng trường hợp này nhé.
Khi 2 người đi đến quyết định lập Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn, thì nên quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:
Nội dung của Văn bản thỏa thuận:
Nội dung của Văn bản thỏa thuận sẽ do 2 vợ chồng tự chủ động lựa chọn và quyết định, tuy nhiên pháp luật cũng hướng dẫn một số phương án thỏa thuận đơn giản và cơ bản như sau:
1. Thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng.
2. Thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung.
3. Thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
Còn nếu như không lựa chọn một trong 3 phương án trên thì vợ chồng có thể lựa chọn phương án tự xây dựng Văn bản thỏa thuận, khi đó nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
1. Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
2. Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
4. Nội dung khác có liên quan.
Đó chỉ là những nội dung cơ bản, pháp luật hướng dẫn cho các cặp vợ chồng tham khảo và hình dung được một cách cơ bản, còn thực tế thì mỗi nhà một khác nên nếu cặp vợ chồng nào muốn lập văn bản chi tiết và cụ thể hơn mà cảm thấy vướng mắc thì có thể nhờ sự tư vấn của luật sư.
Những lưu ý khi lập Văn bản thỏa thuận này:
Nói là 2 vợ chồng tự chủ động và quyết định về nội dung thỏa thuận nhưng không phải là hoàn toàn và tất cả, pháp luật cũng quy định một số trường hợp hạn chế về thỏa thuận tài sản vợ chồng, nếu rơi vào các trường hợp này, có thể thỏa thuận của vợ chồng sẽ bị vô hiệu. Mục đích của việc quy định như vậy là để tránh gây ảnh hường và làm thiệt hại đến quyền lợi của chủ thể thứ 3 có liên quan.
Vậy nên, vợ chồng cũng cần lưu ý những quy định sau để tránh thỏa thuận của mình đã mất công lập ra mà sau này khi áp dụng mới phát hiện là bị vô hiệu.
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
2. Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
3. Vi phạm một trong các quy định sau:
– Quy định về Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng:
+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
+ Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
+ Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
– Quy định về Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình:
+ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
+ Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
– Quy định về Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
– Quy định về Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;
+ Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
+ Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Hãy liên hệ với Luật sư chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các Dịch vụ pháp lý về Hôn nhân tốt nhất.
Hotline: 0707.080868
Email: luatsaigonlight@gmail.com
Văn phòng Công ty Luật SAIGONLIGHT:
95 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh